Nghệ thuật hóa trang trong Tuồng

Tuồng (Hát Bội/Hát Bộ) được biết đến là một bộ môn nghệ thuật mang tính bác học và ước lệ cao. Một trong những yếu tố tạo nên tính chất đó không thể không kể đến Mặt nạ Tuồng. Trong ngôn ngữ điện ảnh, người xem có thể cảm nhận linh hồn của tác phẩm thông qua hệ thống màu sắc ở mỗi phân cảnh. Cũng như mặt nạ Tuồng, mỗi nhân vật được khéo léo mô tả qua những màu sắc đại diện cho từng nét tính cách khác nhau. Người nghệ sĩ không những phải diễn tròn vai, mà còn phải tự họa mặt nạ sao cho nhân vật Tuồng mà mình đảm nhận được tái hiện sinh động nhất trên sân khấu.

Như vậy có thể nói hóa trang mặt nạ Tuồng chính là nghệ thuật, đòi hỏi người nghệ sĩ vừa phải trang bị nhiều kĩ năng, vừa phải có những am hiểu nhất định để hóa thân xuất sắc thành các nhân vật.

(nguồn: Heritage)

(nguồn: báo VOV)

hình ảnh minh họa người nghệ sĩ tuồng tự hóa trang

1. Khái quát về Tuồng và nghệ thuật hóa trang trong Tuồng

1.1 Tuồng

Tuồng còn gọi là hát bội, hát bộ, bộ môn nghệ thuật cổ điển và bác học bậc nhất Việt Nam. Là một loại văn nghệ trình diễn cổ truyền, được hình thành trên cơ sở ca, vũ, nhạc và các trò diễn xướng dân gian vốn có từ lâu đời và rất phong phú của dân tộc Việt Nam. Ðến cuối thế kỷ XVIII, Tuồng đã phát triển một cách hoàn chỉnh về mọi mặt từ kịch bản văn học đến nghệ thuật biểu diễn. Trong thế kỷ XIX, Tuồng đã có một giai đoạn phát triển cực thịnh trong lịch sử hình thành và phát triển của loại hình nghệ thuật này

Nghệ thuật Tuồng cổ.

1.2 Hóa trang trong Tuồng

Dân gian thường gọi cách thức hóa trang mặt của người nghệ sĩ tuồng là kẻ mặt, dặm mặt hoặc kéo mặt. Cách hóa trang trong nghệ thuật tuồng khá độc đáo, đó là tùy theo tính cách của nhân vật tuồng, gương mặt của người nghệ sĩ được đắp một lớp bột phấn màu đỏ, màu trắng hoặc màu đen khá dày, nhìn trông giống như là đeo mặt nạ. Ngày trước, diễn viên tuồng dùng mặt nạ “đeo”, vì lúc bấy giờ người có khả năng biểu diễn không nhiều, một diễn viên phải sắm nhiều vai, vì vậy, họ dùng mặt nạ đeo để thay đổi vai cho dễ dàng.

Hóa trang trong Tuồng.

(Nguồn: Lạc Việt audio)

2. Tính nghệ thuật trong hóa trang mặt nạ Tuồng

2.1 Họa mặt

Trong nghệ thuật tuồng, hóa trang là vô cùng cần thiết, thậm chí là nhiều nhân vật sử dụng mặt nạ với tạo hình riêng gây ấn tượng với người xem. Nghệ thuật hóa trang trong Tuồng rất công phu, tỉ mỉ. Diễn viên phải bỏ công sức học hỏi để tự trang điểm, vẽ mặt nạ cho chính mình.

Dù là hóa trang hay sử dụng mặt nạ thì các đường nét đều được tô đậm, rõ ràng. Đặc trưng cơ bản của nghệ thuật sân khấu tuồng là ước lệ, cách điệu, nên hóa trang vẽ mặt cũng dùng thủ pháp ấy. Đường nét và màu sắc trong hóa trang vẽ mặt được tinh giảm, gợi hình, tượng trưng, chắt lọc những nét bản chất nhất để thể hiện ngoại hình, nội tâm nhân vật.

Mô hình lão võ tác phong nhanh nhẹn, nóng nảy, chính nghĩa. (“Lão” motif with swifting movements, hot-headed, and virtuous.)

Nhân vật “lão” trong Tuồng.

(Nguồn: Cultura Fish)

2.2 Màu sắc trong hóa trang nhân vật Tuồng

Các màu chủ đạo người nghệ sĩ dân gian dùng vẽ mặt nạ Tuồng là màu đen, trắng, đỏ, vàng, lam. Từ những màu cơ bản, nguyên chất này, họ khéo léo pha trộn màu, tạo ra những màu mới, để thể hiện nổi bật tính cách nhân vật Tuồng trong mỗi vở diễn.

Nghi thức rước mặt nạ tuồng tại Festival Huế 2022.

(Nguồn: Báo Điện tử Chính Phủ)

Nhiều người cho rằng mặt nạ Tuồng Việt Nam nhìn giống mặt nạ kinh kịch Trung Quốc nhưng càng đi sâu tìm hiểu càng thấy sự khác biệt trong cách tạo hình nhân vật, cũng như nghệ thuật sử dụng màu sắc. Mặt nạ Tuồng Việt dùng ít màu, chủ yếu là những màu nguyên chất, kết hợp lối vẽ mềm mại vừa đủ. Còn kinh kịch Trung Quốc, sử dụng nhiều màu nguyên chất và sử dụng thêm nhiều màu khác như màu lục, tím, xanh dương, nâu, vàng chanh, vàng thư, vàng đất…

Trong Tuồng truyền thống Việt Nam màu sắc có ý nghĩa lộ tả những đặc điểm tính cách nổi bật của nhân vật:

Màu đỏ tượng trưng cho người thẳng thắn, trí dũng, nghĩa khí, trung liệt cách. Mặt đen dành cho những nhân vật phản diện, thuộc thế lực hắc ám nhưng đôi khi là nhân vật chính diện bộc trực, nóng nảy. Mặt trắng dùng cho nhân vật phản diện với nhiều đường nét vằn vện, còn nếu đường nét thanh thoát nhẹ nhàng thì là lão trắng hay kép trắng, những người theo đường văn nghiệp. Màu xanh da trời thể hiện nhân vật chưa biết tốt, xấu, mưu mô hay xảo quyệt. Mặt lục thể hiện các nhân vật có xuất thân từ trên núi hoặc những nhân vật không chung thủy, có khi cũng là các nhân vật thần thánh, huyền thoại… Những gương mặt dùng màu sắc trung tính, nhẹ nhàng, thường dùng cho gương mặt của lão văn, lão tiều, phụ nữ và trẻ em. Mặt rằn thể hiện các loại tướng võ, cả chính diện lẫn phản diện, cá tính mạnh mẽ nhưng yếu mềm trong quan hệ với những người cùng huyết thống. Các nhân vật có kiểu mặt đặc biệt như mặt đào, mặt yêu thì tính chất nhân vật phụ thuộc nhiều vào các họa tiết trang trí. Cách sử dụng màu sắc dân gian này mang đậm nét đặc trưng của văn hóa phương Đông.

Quỳnh Liên trong vai “Hồ Nguyệt Cô”

(Nguồn: Dân Việt)

2.3 Đặc trưng mỹ thuật phương Đông trên mặt nạ Tuồng dân gian

Sắc mặt nạ Tuồng dân gian còn được các nghệ sĩ thể hiện theo lối âm dương. Âm tương ứng với sắc tối yên tĩnh, hấp thụ màu, càng nhiều màu tối thì càng nhiều năng lượng âm; dương tương ứng với sắc sáng, giàu năng lượng. Dựa trên nguyên lý đó người mang mặt nạ có sắc dương đại diện cho những người chính nhân quân tử, trung nghĩa, hiếu lễ. Ngược lại những người mang mặt lạ màu âm, đại diện cho các thế lực hắc ám thù địch, tráo trở, luồn lách…

Quy luật vận động của vũ trụ – thuyết ngũ hành cũng được thể hiện trong cách sử dụng màu, những gương mặt mang màu đỏ (hỏa) khắc với nhân vật màu đen (thủy) nên hai màu đối lập đen – đỏ thường được cha ông ta vận dụng trong những vai diễn mang tính chất thù địch, đối lập nhau. Cách thể hiện này giúp người xem dễ dàng nhận biết về nhân vật, hoàn cảnh vở diễn thông qua sự cảm nhận của mình.

Tạo hình tính cách nhân vật trong Tuồng

(Nguồn: Việt Nam thịnh vượng)

Tính mỹ thuật được ứng dụng cao làm nổi bật hình tượng nhân vật, tạo sức hấp dẫn với người xem. Để làm được điều này, đòi hỏi người nghệ sĩ dân gian phải có sự sắp xếp thể hiện sao cho đạt hiệu quả thẩm mỹ cao nhất. Bố cục mỹ thuật ở đây chính là sự sắp xếp các yếu tố tạo hình như: đường nét, hình khối, đậm nhạt, màu sắc… trong một khuôn khổ nhất định của một tác phẩm, thông qua cảm xúc và ý tưởng của người nghệ sĩ dân gian. Một dạng bố cục trên mặt lạ các nghệ sĩ dân gian thường sử dụng là “bố cục đối xứng”,  khuôn mặt người diễn được chia theo chiều đứng thành hai phần đối xứng nhau. Một loại bố cục khác là “bố cục cân đối”, dựa trên quy luật tỷ lệ vàng – trục mắt nằm ở vị trí 2/3 so với khuôn mặt vị trí miệng, mũi, trán.

3. Sân chơi nào cho mặt nạ Tuồng?

Dù rằng nghệ thuật Tuồng cũng như nghệ thuật hóa trang ngày nay không còn phổ biến trong cuộc sống người dân Việt song những giá trị về mỹ thuật, văn hóa & lịch sử của loại hình này đã trở thành nguồn sáng tạo vô hạn của nhiều nghệ sĩ đương thời.

3.1 Độc đáo hội rước mặt nạ tuồng trên phố Huế

Ngày 28/6, tại Thanh Bình từ đường (phường Đông Ba, TP. Huế), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức chương trình “Ngàn xưa âm vọng” để tôn vinh di sản tuồng Huế. 

Các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên sẽ tập hợp thành một đội hình khoảng 200 người và thực hiện nghi lễ rước mặt nạ tuồng. Đội hình diễu hành từ Thanh Bình từ đường, theo cung đường Chi Lăng, qua cầu Gia Hội ngang Trần Hưng Đạo, đến Lê Duẩn vào Nghinh Lương Đình.

Tại đây, trích đoạn tuồng cung đình Huế đặc sắc nhất sẽ được biểu diễn một số tiết mục như trống hội tuồng đồ, ác thiện ẩn hình, Mộc Quế Anh dâng cây, Mạnh Lương bắt ngựa, múa bông…

Một số hình ảnh tại chương trình “Ngàn xưa âm vọng”

(Nguồn: Báo Điện tử Chính Phủ)

3.2  “Hát bội tạo niềm cảm hứng sáng tạo” – Vẽ về hát bội

“Vẽ về Hát Bội” là dự án có hơn 40 nghệ sĩ trẻ cùng gần 100 nhân sự ở các ngành nghề khác nhau đã được dẫn dắt và truyền cảm hứng bởi những nghệ sĩ gạo cội để cùng xây dựng nên một “kho báu văn hóa dân tộc” nhằm lưu giữ những giá trị cao quý của Hát Bội.

Hình ảnh về dự án “Vẽ về Hát Bội”

(Nguồn: iDesign)

Từ ý tưởng đầu tiên là một buổi triển lãm nho nhỏ, ấm cúng giữa các họa sĩ trẻ, chỉ sau một thời gian ngắn, “Vẽ về Hát Bội” đã trở thành một dự án với sự đầu tư nghiêm túc và nhiệt huyết của những người trẻ tuổi với mong muốn lan tỏa tiếng chuông ngân về Hát Bội.

Qua dự án “Vẽ về Hát Bội”, nghệ thuật Hát Bội đã được thể hiện dưới những góc nhìn khác nhau và đang thật sự gợi được những gợn sóng lan tỏa trong lòng giới trẻ Việt.

Một số hình ảnh tại triển lãm “Vẽ về Hát Bội”

(Nguồn: iDesign)

3.3 “Vì tôi đã lỡ yêu nên đành theo trọn với…” – Nghệ sĩ Trần Hưng Sơn Ca

Nghệ sĩ Trần Hưng Sơn Ca tên thật là Trần Xuân Hưng, tuổi Canh Thân (1980). Tuy được sinh ra ở quê hương đất Chèo – Thái Bình nhưng ông lại lớn lên gắn bó với đất Tuồng Bình Định, là quê hương thứ hai của Trần Hưng Sơn Ca. Con đường nghệ thuật của Trần Hưng Sơn Ca bắt đầu từ năm 1996, khi bắt đầu theo học Điêu khắc tại trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Bình Định. Sau đó ông học đại học tại trường ĐH Mỹ thuật Tp. HCM vào năm 2001, tốt nghiệp năm 2006. Trong quá trình học tại trường ĐH Mỹ thuật nghệ sĩ đã hoàn thành tốt nghiệp với tác phẩm “Tuồng”. 

Cũng từ đây,  Trần Hưng Sơn Ca đã bén duyên với Tuồng, ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm lấy đề tài và nguồn cảm hứng sáng tạo chính từ loại hình nghệ thuật truyền thống này. Chia sẻ về niềm đam mê bển bỉ, nghệ sĩ hồi tưởng lại thời thơ ấu ở Quy Nhơn, nơi đã có nhiều kỷ niệm từ lúc 3 tuổi cho đến khi vào TP. HCM học đại học năm 2001. “Hình ảnh Bà nội nắm tay dắt Hưng đi xem Hát bội ở hội trường cũ ngày xưa những năm thập niên 90 (vị trí ngay Ga Quy Nhơn bây giờ), ký ức đó không hề phai nhạt.” – Trần Hưng Sơn Ca bày tỏ.

Đến nay, khi đã trưởng thành, với đam mê sáng tác nghệ thuật, Trần Hưng Sơn Ca luôn thúc giục bản thân nỗ lực để lại một giá trị nào đó trong nghệ thuật tạo hình. Nguồn cảm hứng với sân khấu Tuồng cổ để lại trong ông rất nhiều cảm xúc, mong muốn tái hiện lại hình tượng người nghệ sĩ sân khấu truyền thống Tuồng cổ qua các tác phẩm của mình.  Sân khấu Tuồng cổ mang nét đặc trưng là tính hùng tráng, tính ước lệ tượng trưng qua từng động tác diễn xuất, hoá trang mặt nạ các nhân vật cũng rất đa dạng và phong phú. Trong đó mâu thuẫn đối lập của hai bên phe thiện ác, trung thần chính nghĩa với gian thần phản diện xu nịnh…

Mời bạn đọc cùng xem qua một số tác phẩm của nghệ sĩ Trần Hưng Sơn Ca.

Tác phẩm Nữ tướng Đào Tam Xuân – 2017

Tác phẩm Ngọn lửa Hồng Sơn, 2020

Tác phẩm Án oan triều ca – Tuồng cổ, 2021

Tác phẩm Diện Tuồng 4, 2021

Có thể thấy, hóa trang mặt nạ Tuồng là nghệ thuật chứa đựng nhiều giá trị nhân văn. Không chỉ dừng lại ở những kỹ thuật trang điểm chuyên nghiệp, nghệ thuật hóa trang mặt nạ Tuồng còn ngầm phản ánh sự tài ba của những người nghệ sĩ, những quy tắc và nét đẹp văn hóa dân tộc sẽ luôn có cách hiện hữu trong đời sống của các thế hệ người Việt Nam.

Nguồn tham khảo:

1. Sắc trên Mặt nạ Tuồng – Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

2. Đặc sắc hóa trang trong nghệ thuật Tuồng – Báo Bình Định

3. Nghệ thuật hóa trang trong Tuồng – Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh

4. Độc đáo hội rước mặt nạ tuồng trên phố Huế – Báo Điện tử Chính Phủ

ĐỌC THÊM

Mới cập nhật